Rót trà, cầm chén uống trà

Pha trà, uống trà ở tầm nghệ thuật đều có những quy trình, cách thức tiêu chuẩn.

Ví dụ: Rót trà:  sau khi pha trà và rót trà vào chuyên/ chén tống, từ đó mới rót ra các chén quân để uống. Cách rót trà cũng được gọi thành hai cách như sau:

Quan Công tuần hành: Đặt các chén trà sát nhau thành dãy hay thành cụm, đưa chuyên/ chén tống rót trà từ chén này sang chén khác liên tục không nhấc chuyên lên, ba đến bốn vòng đến khi trà được 3/5 – 3/4 chén thì ngừng. Như vậy chất lượng trà trong mỗi chén đều như nhau.

Hàn Tín điểm quân: Rót trà từ chuyên/ tống ra các chén, mỗi chén một chút (điểm), mỗi lần rót vào mỗi chén đều nhấc vòi ấm lên để sang chén khác, quay vòng 2 lần cho đầy 3/5 – 3/4 chén là vừa đủ.

Hai cách trên là với bàn trà nhỏ quây quần và thường là rót lần đầu rồi chuyển chén mời trà.

Cầm chén uống trà: 

Cách cầm chén uống trà thông dụng nhất gọi là Tam long giá ngọc“, theo đó dùng ngón tay cái và ngón trỏ để giữ hai mép/ thành chén, ngón giữa vòng xuống đỡ đáy chén. cách uống này chỉ dùng một tay, khi uống trà không bị nóng tay, lưng bàn tay che miệng người uống một cách lịch sự, dáng cầm chén cũng rất đẹp.

cầm chén uống trà

Những chiếc ấm tử sa đắt nhất

Ấm tử sa là trà cụ không thể thiếu cho những người thích uống trà ở tầm nghệ thuật. Ấm tử sa là loại ấm uống trà đặc biệt, là trà cụ, là đồ sưu tầm, là tài sản, ….

Những chiếc ấm tử sa đắt nhất

Chiếc ấm tử sa Nghi Hưng chế tác năm 1948 bởi nghệ nhân – bậc thầy về ấm tử sa Gu Jingzhou, được khắc thư pháp bởi Wu Hufan đã được đấu giá với mức giá 2 triệu USD tại cuộc đấu giá ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 5 năm 2010. Đây là ấm dáng Thạch Biều Tử, trên ấm được khắc thư pháp Trung quốc, gọi là Đề Bích.

ấm tử sa đắt nhất

Image Courtesy China Garden Auction as featured in China Cool Art

Một chiếc ấm khác cũng được chế tạo bởi nghệ nhân Gu Jingzhou đã được đấu giá 1,32 triệu đô la mỗi chiếc vào tháng 11 năm 2013 trong cuộc đấu giá tại Bonhams Hồng Kông. Cũng là ấm khá giống dáng Thạch Biều.

ấm tử sa

Image Courtesy Bonhams Auction House

Cố Cảnh Chu (Gu Jingzhou 1915 -1996) sống tại Nghi Hưng, là một nghệ nhân gốm Trung Quốc, bậc thầy chế tác ấm trà tử sa. Ông là người sáng lập và Phó Giám đốc Nghiên cứu và Công nghệ tại Nhà máy Số 1 Nghi Hưng (Number One Yixing Factory). Ông đã được trao danh hiệu “Bậc thầy của nghệ thuật công nghiệp Trung Quốc”, được vinh danh là Đại sư của nghệ thuật chế tác ấm tử sa đương đại.

Các dòng ấm tử sa sở trường của nghệ nhân Cố Cảnh Chu là dòng ấm Thạch Biều, Báo Xuân Mai, dáng ấm Như Ý…

Khai ấm tử sa

Đặc tính của ấm tử sa là thành ấm có rất nhiều khổng khí, khi các khổng khí nay được mở đúng cách thì có tác dụng giúp ấm pha trà ngon hơn, trà để cả ngày trong ấm cũng không bị thiu trà… Do vậy, sau khi lựa chọn được một chiếc ấm trà Tử Sa mới, cần phải thực hiện một số bước (còn gọi là khai ấm tử sa) như sau để bắt đầu sử dụng chiếc ấm quý:

Bước 1: Rửa sạch ấm bằng nước (lạnh hoặc ấm nóng) với cọ mềm hoặc rửa bằng vòi nước để làm sạch bụi bẩn.

Bước 2: Đây là bước cần thiết trong quy trình “Khai ấm tử sa”. Bỏ ấm trà và nắp vào một cái nồi sạch, đổ ngập nước rồi đun nhỏ lửa khoảng 60 phút. Bước thứ 2 này giúp khử mùi đất, tẩy sạch các bụi bẩn mà bước 1 chưa làm sạch, và khử trùng cho ấm. Sau khi đun xong, để ráo và lau khô bằng khăn sạch. Ấm tử sa đã có thể sử dụng. Bước thứ hai này còn gọi là “Dung hòa ấm”

Bước 3:  Tiếp tục bỏ ấm trà và nắp vào một cái nồi sạch, đổ ngập nước, cho thêm một miếng đậu phụ vào rồi đun nhỏ lửa khoảng 90 phút. Mục đích của việc phân giải ấm chính là phân giải các chất còn lại tồn dư trong ấm. Trong đậu phụ có chất thạch cao nhưng rất lành tính.có thể thực hiện nhiệm vụ phân giải. Bước này gọi là bước “Phân giải ấm”.

Bước 4: Sau bước “Phân giải ấm”, tiếp tục đun ấm cùng với vài que mía trong một khoảng thời gian. Chất đường thiên nhiên của mía sẽ từ từ thấm vào trong thành ấm và có thể tư nhuận ấm. Bước này gọi là “Tư nhuận ấm”.

Bước 5: Nếu bạn là người thích thưởng trà “công phu” hơn, cần thực hiện tiếp bước thứ 5: Luyện ấm bằng trà. Bước này dành cho người muốn mỗi ấm trà của mình chỉ pha một loại trà duy nhất.

Tiếp tục cho ấm tử sa vào một cái nồi nước cùng với loại trà mà bạn muốn dùng riêng cho ấm đó, đun trong 90 phút. Mục đích của bước này là sau khi luyện là giúp cho ấm trà ngấm hương trà, chiếc ấm tử sa đó chỉ dùng để pha một loại trà duy nhất. Sau khi đun xong, để ráo và lau khô bằng khăn mềm sạch để bắt đầu sử dụng. Bước cuối cùng của quá trình khai ấm này gọi là “Tái sinh ấm”

Khai ấm tử sa

Lưu ý: Nên dùng nước sạch như nước lọc để đun. Chỉ đun nhỏ lửa trong các bước để tránh làm ấm di chuyển làm sứt mẻ ấm và nắp ấm. Không dùng các hóa chất tẩy rửa khi làm sạch ấm. Không dùng các loại lưới rửa bằng kim loại hay giấy nhám, vật cứng để chà rửa ấm.

Sau khi khai ấm, bạn có thể bắt đầu sử dụng ấm tử sa để pha trà và thưởng trà.

Nguồn bài viết từ website Ngự Trà

 

Ấm tử sa

Ấm tử sa xuất hiện vào thời nhà Minh ở Trung Quốc. Theo Trà kinh của Lục Vũ, từ thời nhà Đường (618-907), người ta hay dùng trà bánh hoặc trà bột, đun và pha trà trong một cái nồi. Đến thời nhà Tống (920-1280), ngoài sử dụng trà bánh, trà bột ra, còn sử dụng trà lá khô như hiện nay.

Nhưng phải đến thời nhà Minh thì việc chế tạo ấm pha trà và uống trà bằng chén nhỏ mới bắt đầu. Những chiếc ấm trà và chén uống trà lúc bấy giờ đã gắn liền với địa danh nổi tiếng sản xuất ấm là Nghi Hưng – chuyên sản xuất các loại ấm đất bằng loại đất sét tử sa với nhiều kiểu dáng, kích thước lớn nhỏ, màu sắc khác nhau cho tới tận ngày nay – gọi là ấm tử sa.

Ấm tử sa là một loại ấm pha trà được làm bằng đất đặc biệt. Ấm tử sa được nung ở nhiệt độ cao trên 1000 độ và không tráng men. Ấm được gọi là tử sa vì loại ấm này được chế tạo từ đất sét tử sa và thường có màu tím, xuất phát từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc.

ấm tử sa

Ngoài vẻ đẹp trầm mặc, cổ điển, được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân từ các loại đất đặc biệt và hiếm, ấm tử sa còn giúp trà khi pha trong ấm được ngon hơn so với các loại ấm thông thường do một số công dụng, tính chất đặc biệt khác của ấm:

  • Đất tử sa để làm ấm tử sa được luyện từ quặng thô nguyên khoáng mà thành. Loại đất này có cấu trúc và thành phần cấu tạo gồm oxit sắt, silic, mica, kaolinite cùng nhiều khoáng chất khác trong đó oxit sắt là thành phần chủ yếu, chỉ có vùng Nghi Hưng mới có. Chính nhờ thành phần cấu tạo đặc biệt này mà những chiếc ấm trà tử sa Nghi Hưng luôn có những phẩm chất đặc biệt, ưu điểm rất tuyệt vời, pha trà cho nước ngon hơn.
  • Kết cấu chất đất tử sa có nhiều bóng khí kép siêu nhỏ bên trong, nên thành ấm tử sa  cách nhiệt, giữ nhiệt tốt và có khả năng hút tinh trà, hương trà vào ấm, sau một thời gian sử dụng lâu đổ nước sôi trắng vào vẫn có mùi trà. Đây là điểm khác biệt mà các loại ấm trà khác không thể có.
  • Ấm tử sa giữ được hương trà lâu dài và không làm hương trà bị nồng, đặc biệt có tác dụng ngâm hãm trà cho màu sắc và hương vị ngon.
  •  Chất đất tử sa có khả năng truyền nhiệt chậm, nên nó giữ nhiệt tốt. Bên trong ấm nước đủ nóng pha trà nhưng cầm bên ngoài không bị bỏng rát.
  • Ấm tử sa có tố chất chịu nhiệt, sự thay đổi nhiệt chênh lệch nóng lạnh nhanh hay tiết mùa đông (ở những vùng rất lạnh) dùng nước nóng cũng không dễ làm ấm bị nứt vỡ.

Từ xưa, cổ nhân đã nêu bảy ưu điểm của ấm tử sa như sau:

  1. Chế nước sôi vào không làm trà mất hương vị, sắc hương còn nguyên
  2. Ấm trà dùng lâu, chế nước sôi không có trà cũng ra mùi trà
  3. Trà vị không bị biến chất
  4. Chịu nhiệt cao, mùa đông tháng giá đổ nước sôi vào không bị nứt
  5. Ít truyền nhiệt, cầm vào không phỏng tay
  6. Dùng càng lâu càng lên nước, da ấm bóng lộn
  7. Có nhiều màu đẹp khác nhau, dễ lựa chọn

Giá trị của một chếc ấm tử sa phụ thuộc vào các yếu tố: chất liệu đất quý hiếm làm ấm, tên tuổi nghệ nhân làm ấm và kiểu dáng riêng của nó.

Xem “Các loại đất làm ấm tử sa

Các loại đất chính làm ấm tử sa

Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc là nơi có một loại đất sét rất đặc biệt và nổi tiếng gọi là đất Tử sa và là nơi tạo ra những chiếc ấm tử sa nổi tiếng. Đất Tử sa là loại đất sét đá (Stone Clay) – loại đất đặc biệt chỉ ở vùng Nghi Hưng mới có. Các loại đất chính làm ấm tử sa:
Tử sa là từ để mô tả loại đất sét có sắc độ tím, và ngoài ra ở Nghi Hưng còn rất nhiều loại đất có sắc độ khác nhau như: đỏ, xanh lục, vàng, v.v… Tuy nhiên trên thực tế Tử sa đã trở thành một thuật ngữ chung để chỉ các loại đất sét có xuất xứ từ Nghi Hưng.
Đất sét Nghi Hưng (Stone Clay) là loại đất có cấu trúc và thành phần cấu tạo gồm oxit sắt, silic, mica, kaolinite cùng nhiều khoáng chất khác trong đó oxit sắt là thành phần chủ yếu. Chính nhờ thành phần cấu tạo đặc biệt này mà những chiếc ấm trà từ Nghi Hưng luôn có những ưu điểm rất tuyệt vời như: chịu được nhiệt rất cao trên1000C, giữ được trọn vẹn hương vị của trà, dù trà để rất lâu trong ấm sau khi đã sử dụng xong nhưng vẫn ko bị mốc hoặc thiu, v.v…

Vùng Nghi Hưng cũng còn có loại đất sét thường (Earth Clay), là loại đất được sử dụng một cách phổ biến để tạo ra các sản phẩm gốm thông dụng trong đó có ấm trà thường (không phải ấm tử sa)

Về cơ bản chất lượng đất sét sử dụng để làm ấm được chia thành 3 nhóm như sau:
Đất sét nguyên khoáng (Original, Natural): đây là loại đất tự nhiên được khai thác trực tiếp từ các mỏ núi đá ở Nghi Hưng và là loại đất có chất lượng tốt nhất để làm ấm. Nhưng do khai thác quá nhiều nên hiện nay số lượng đất nguyên khoáng còn lại không nhiều và ngày càng trở nên khan hiếm
Đất phối (Mixed): đây là loại đất được tạo ra bằng cách phối đất nguyên khoáng với nhau, hoặc phối đất nguyên khoáng với một vài nguyên liệu tự nhiên khác (nguyên liệu tự nhiên chủ yếu được sử dụng để phối là cát vì nó có tính chất và thành phần cấu tạo tương đương). Đất phối được tạo ra với mục đích chính là tận dụng đất nguyên khoáng vì như trên đã nói đất nguyên khoáng ngày càng hiếm
Đất nhân tạo (Artificial): đây là loại đất được tạo ra bằng cách phối thêm một số thành phần hoá học khác vào đất (có thể là đất sét hoặc đất bùn) để tạo ra một chất liệu mới, hiện nay loại đất này được sử dụng rất nhiều để tạo ra những chiếc ấm mới với màu sắc đa dạng và bắt mắt nhưng chất lượng đất thì không thể tốt được bằng đất nguyên khoáng.

Đất sét nguyên khoáng bao gồm 5 loại cơ bản sau: 

1. Đất tử sa

Đất tử sa (Zi ni) là loại đất được sử dụng phổ biến nhất, nhiệt độ chịu nung của nó khoảng 1180°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 10% – 11%. Về màu sắc nhiều tài liệu mô tả đất tử sa có màu tím gọi là cát tím (purple sand) nhưng thực tế đất tử sa có màu nâu tím (purple-brownish) hoặc màu nâu (brown) nhiều hơn.

Đất tử sa có 7 loại nguyên khoáng thông dụng để chế tạo ấm tử sa, bao gồm:

Nguyên Khoáng Để Tào Thanh

Loại đất này được khai thác ở khu vực dãy núi Hoàng Long Sơn thuộc Nghi Hưng, Trung Quốc. Đặc điểm chính của loại khoáng này có chứa màu xanh biếc của mắt chim, mắt mèo, có pha lẫn chút tím và ánh xanh, mịn màng mà tinh khiết. Khi nung loại đất này lên nó chuyển thành màu đỏ gan lợn rất đẹp mắt. Khi pha trà trong ấm tử sa làm từ Nguyên Khoáng Để Tào Thanh tạo cho chúng ta cảm giác rất du dương trầm bổng. Sau một thời gian sử dụng, ấm tử sa sẽ chuyển thành màu đậm hơn.

Nguyên Khoáng Tử Nê

Tử Nê là loại đất làm ấm tử sa điển hình thường gặp và là loại đất dễ kiếm nhất trên thị trường. Loại đất này được khai thác ở núi Hoàng Long Sơn, Giang Tô, Nghi Hưng, Trung Quốc. Do hàm lượng sắt trong loại đất Tử Nê này rất cao nên nó sẽ tạo ra các lỗ khí trên thân sản phẩm. Đất có tính ổn định cao, dễ chế tạo, độ bền cao, màu sắc ổn định, nhìn rất sang trọng. Đặc biệt loại ấm tử sa làm từ Tử Nê lại có giá thành phẩm tương đối rẻ, dùng càng lâu cho màu sắc càng đẹp lôi cuốn người dùng.

Nguyên Khoáng Thanh Thủy Nê

Loại đất này có đặc điểm khô ẩm, dễ tạo tác, có tính ổn định cao, độ kết dính vừa phải. Chúng được khai thác tại núi Hoàng Long Sơn, Giang Tô, Nghi Hưng, Trung Quốc. Khi làm ấm phải luyện lại đất, loại bỏ đá vôi trong đó bởi chúng dễ chuyển thành màu đen. Sử dụng lâu ngày ấm chuyển sang màu đỏ hồng đẹp mắt.

Ngọc Sa Liệu

Nguyên khoáng Ngọc Sa Liệu là một trong nhữn loại đất làm ấm tử sa có tính thoát khí mạnh, nên khi rót nước lên thân ấm thì nước sẽ bốc hơi rất nhah, ấm khô ngay lập tức. Đất được khai thác tại vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. Khi dùng ấm trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến độ bám cao trà, dễ khiến cho các lỗ thoát khí bị tắc, vì vậy chúng ta cần phải nung lại ấm trong lò có nhiệt độ cao lúc này chiếc ấm sẽ trở lại như mới.

Ngũ Sắc Thổ

Đất Ngũ Sắc Thổ được khai thác tại vùng núi Hoàng Long Sơn, Giang Tô, Trung Quốc. Đất có độ mịn nằm trong khoảng giữa từ 8 đến mục 16, đây là loại nguyên liệu thô, đặc tính dễ vỡ và dễ bị oxy hóa nên quá trình tinh luyện phải làm thủ công.

Tử Kim Sa

Tử Kim Sa là loại đất làm ấm tử sa quý hiếm, có tính ổn định cao, dễ làm, chúng thuộc loại quặng cộng sinh, nằm ở tầng giữa của Tử Nê. Do đặc tính tương đối xốp nên ấm tử sa được làm từ Tử Kim Sa thường có độ đối lưu không khí hai chiều rất tốt. Càng sử dụng lâu chiếc ấm càng lộ ra những nét đẹp tinh tế làm lôi cuốn lòng người.

Ngọc Kim Sa

Tử Ngọc Kim Sa là loại quặng tương đối thô, khó chế tác, có độ mịn 1,18mm. Vì là loại khoáng thô nên nắp ấm thường có hình răng cưa cao thấp không đồng đều, nên việc làm cho nắp ấm khít cũng khó khăn hơn. Do khó chế tác nên thành phẩm từ loại nguyên liệu này thường rất ít, để làm ra một chiếc ấm phải trải qua 3-5 lần nung.

Bên trên là 7 loại đất làm ấm tử sa thường được sử dụng. Tuy nhiên mỗi loại đất lại có đặc tính khác nhau nên chúng cho ra thành phẩm hoàn toàn khác biệt và có giá thành khá khác nhau.

2. Đất hồng sa 

Đất Hồng sa (Hong ni) có nhiệt độ chịu nung khoảng 1100°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 14%. Về màu sắc đất Hồng sa có màu đỏ cam là chủ yếu, và vì Hồng sa nguyên khoáng gốc là tử sa nên nó có cả màu đỏ-nâu. Đặc biệt đất hồng sa cũ đã được khai thác lâu) có màu đỏ sậm.

3. Đất lục sa

Đất Lục sa (Lu ni) nguyên khoáng được mô tả là có các chấm màu xanh nhạt (light-green) và là loại đất hiếm trong tự nhiên, nhiệt độ chịu nung của nó khoảng 1160°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng 14%. Cũng do Lục sa là đất hiếm và kết cấu màu sắc không bền nên đất Lục sa thường hay được phối với các loại đất khác hoặc các nguyên liệu khác khi làm ấm

4. Đất đoàn sa

Đất Đoàn sa (Duan ni) nguyên khoáng được mô tả có màu vàng là chủ yếu, ngoài ra còn có màu be hoặc vàng be và cũng là loại đất hiếm trong tự nhiên, nhiệt độ chịu nung của nó khoảng từ 1175°C – 1180°C, độ co ngót so với ban đầu khoảng 12% .

5. Đất chu sa 

Trong tự nhiên Chu sa (Zhu ni) nguyên khoáng là loại đất có nhiệt độ chịu nung cao nhất khoảng 1700°C và độ co ngót so với ban đầu khoảng từ 18% – 25%.

TỔNG KẾT: 

Về cơ bản, đất sét tử sa Nghi Hưng được sử dụng thành 3 nhóm chính để sản xuất ấm tử sa bao gồm đất nguyên khoáng, đất phối và đất nhân tạo. Trong đó, đất nguyên khoáng có 5 loại nguyên khoáng. Và 5 loại nguyên khoáng này mỗi loại lại được phân thành nhiều loại khác nhau nữa. Tổng cộng tất cả có 25 loại đất cơ bản dùng sản xuất Ấm Tử Sa mà khi chúng ta mua một chiếc ấm, chúng ta thường biết ấm đó được làm bằng chất liệu đất nào:

Đang cập nhật …

error: Content is protected !!