Trà là một loại đồ uống quan trong trong đời sống hàng ngày tại Nhật Bản. Đối với người Nhật, uống trà đã được đưa lên thành Trà Đạo với những cách thưởng thức rất công phu, tỉ mỉ và nhiều thời gian.
image: sweet of japan
Tại Nhật, trà xanh gọi là “Ocha”, và trà đỏ gọi là “Kocha”. Trà xanh thành phẩm dùng để làm thức uống phổ biến. Dưới đây là một số loại trà truyền thống mà người Nhật Bản thường sử dụng hằng ngày:
1. Trà xanh Ryokucha
Nói về trà ở Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến trà xanh. Như đúng tên gọi, Ryokucha có màu xanh và được chia thành nhiều loại dựa trên thời điểm hái lá và mức độ hấp thụ ánh sáng mặt trời. Trà xanh có vị nhẹ như cỏ, không gắt. Không chỉ riêng gì Nhật Bản, nhiều quốc gia khác cũng cực chuộng loại trà này.
2. Cặn trà Konacha
Loại trà này sử dụng hết tất cả những gì còn sót lại của trà xanh, bao gồm vụn trà, búp trà và lá trà nhỏ. Đây là những loại trà phục vụ miễn phí ở các quán ăn, đặc biệt là các quán sushi bởi vì sushi và cặn trà luôn là cặp bài trùng đi đôi với nhau.
3. Trà Sencha
Sencha – loại trà xanh nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào, được hấp ngay sau khi hái xuống từ cây (trong trạng thái lá trà vẫn còn tươi). Sở dĩ người ta phải thực hiện ngay công đoạn này bởi để tránh quá trình lên men vốn xảy ra rất nhanh ở trà. Bằng cách làm như vậy trà xanh sẽ giữ được hương vị Sencha thơm ngon lâu hơn các loại trà khác. Tùy thời gian hấp mà độ tươi của trà thay đổi, thời gian hấp càng lâu thì độ tươi càng giảm và kèm theo đó là màu trà càng chuyển sang màu xanh lục.
Các cấp độ hấp trà (theo thứ tự thời gian từ ít đến nhiều) của sencha: Asa-mushi (hấp sơ) – Chu-mushi (hấp vừa) – Fuka-mushi (hấp sâu) – Toku-mushi (hấp lâu) – Goku-mushi (hấp 2 lần)
Để phân biệt trà Sencha cũng hơi phức tạp bởi nó được chia làm nhiều loại, tuy nhiên phổ biến nhất là dựa vào độ tươi và màu sắc của thành phẩm. Sắc xanh lục là biểu thị cho lá trà đã được hấp nhiều giờ và rất kĩ.
4. Trà Bancha
Sau thời gian thu hoạch để làm trà Sencha từ cuối tháng 2 đến hết tháng năm thì chồi non và lá trà bắt đầu phát triển. Đây chính là thời gian thu hoạch để làm trà Bancha. Với trà được làm từ lá trà trong tháng 6 thì gọi là nibancha, trong tháng 8 gọi là sanbancha và trong tháng 10 gọi là yonbancha. Trà bancha được làm từ thân trên ngọn cây và những lá trà già hơn và bị loại ra trong quá trình sản xuất sencha.
So với sencha, trà Bancha chát hơn và không thơm bằng nên nó được sử dụng để làm thức uống nhẹ sau bữa ăn. Trà bancha chứa nhiều flor hơn các loại trà khác nên nó có tác dụng chống sâu răng và hôi miệng. Trà bancha được làm từ các lá trà non hơn, có mùi thơm dễ chịu và ít chát hơn được gọi là “senryu”
5. Trà gạo rang Genmaicha
Genmaicha chính là tổng hợp từ trà Sencha trộn thêm gạo rang được làm từ “gạo lứt” nguyên cám (là gạo chưa bóc vỏ lụa, tức là “genmai”). Gạo rang sẽ đem lại hương thơm đặc trưng cho genmai-cha.
Đặc điểm của thức uống này chính là trộn gạo rang và trà với tỉ lệ 1:1 nên loại trà này nhạt và ít caffein hơn trà nguyên chất Sencha. Vậy nên Genmai-cha rất được ưa chuộng dùng vào buổi tối và dành riêng cho người già và trẻ nhỏ, những người có sức khỏe nhạy cảm.
6. Trà sao Hojicha
Khác với hai loại trà ở trên Hojicha được sao ở nhiệt độ cao để tạo ra thành phẩm có màu nâu đặc trưng riêng và hương thơm ngào ngạt. Nhiệt độ chuẩn nhất là 200 độ C. Đặc biệt khi trà đạt độ chín tới thì nghệ nhân phải đưa ra khỏi máy sao và làm lạnh ngay để giữ cho hương vị trà không bị nồng quá mức, chính vì vậy người chế biến đòi hỏi phải có tay nghề và kĩ thuật ổn định. Khi pha Hojicha có mùi thơm nồng rất lâu và cực kì dễ uống cho mọi đối tượng.
7. Trà bột Matcha
Đây là loại trà được dùng trong trà đạo Nhật Bản. Ở dạng chưa nghiền bột được gọi là “Tencha”. Matcha có màu xanh sáng và độ ngọt cũng như độ chát tùy theo độ sáng của bột. Matcha càng sáng màu thì càng ngọt.
Khi cây chè lên khoảng 2-3 lá non thì người ta dùng vải mỏng hoặc mành che ánh nắng mặt trời không cho chiếu vào các chồi non. Trong quá trình làm tencha, người ta sấy khô sau khi đã hấp chồi non. Trong quá trình sấy khô, gân lá và thân mảnh được loại bỏ trước khi đem nghiền thành bột.
Matcha rất dễ dùng, là một thức uống thơm ngon, bổ dưỡng làm tinh thần con người phấn chấn, dễ chịu hơn sau cả ngày dài mệt mỏi. Matcha có thể hòa tan trong nước nên nó cung cấp toàn bộ chất dinh dưỡng khi thưởng trà. Bột matcha cũng là một nguyên liệu trong rất nhiều các món ăn truyền thống ở Nhật Bản.
8. Trà cành Kukicha
“Kuki” trong tiếng Nhật nghĩa là “thân” hay “cành”, chính vì vậy Kukicha là thứ trà được làm từ các cành chồi non, có vị ngọt thanh và hương thơm thoang thoảng đặc biệt. Khi pha mùi vị trà lan tỏa khắp nơi khiến chỉ cần ngửi thôi cũng thấy nhẹ nhàng hơn rồi.
9. Trà búp Mecha
Mecha là loại trà quý phái nhất trong danh sách các loại trà truyền thống của người Nhật, được tuyển chọn kĩ càng trong khâu nguyên liệu, đồng thời công đoạn chế biến cũng rất tinh tế. Mecha là trà búp non chọn trong quá trình chế biến các loại trà cao cấp nên có vị ngọt và vị đậm tự nhiên lôi cuốn người dùng.
10. Trà cuốn Tama-ryokucha
Dạng trà này đặc biệt hơn một chút so với các thứ trà khác ở chỗ chúng được bỏ qua giai đoạn chuốt thẳng khi chế biến, mà thường chỉ cho vào lò sấy quay bằng gió nhiệt. Điều đó tạo cho Tam-ryokucha hình dạng cuộn tròn chứ không thẳng và có vị chát dịu, nên khi thưởng thức du khách chỉ nên nhấm nháp từng chút một.
11. Trà mới Shincha
Vào mùa đông ở Nhật Bản rất lạnh giá. Băng tuyết trùm lên tất cả các trang trại trồng chè. Lúc này, những cây chè tạm thời ở trạng thái ngừng hoạt động và lớn lên. Đồng thời vị ngon cơ bản thứ năm, umani của những lá chè được ủ kín. Khi thời tiết ấm lên, cây chè thức dậy, phát triển các chồi bíp, hương vị chè trở nên bung tỏa mạnh mẽ hơn. Mùa thu hoạch chè mới phụ thuộc vào thời tiết, thường thì qua một quãng thời gian lạnh lẽo, khi trời vừa ấm lên.
Những lá trà được hái đầu tiên rất tươi ngon và ngọt ngào, được người dân Nhật Bản gọi bằng cái tên thông dụng “ichibancha” hơn là shincha. Ở Nhật có quan niệm rằng những ai uống loại trà mới được chọn vào ngày thứ 88 sau ngày xuân phân (ngày 04 tháng 2) sẽ có thể có một năm dồi dào sức khỏe. Shincha giàu axit amin, vitamin và hầu hết chỉ được phân phối tại thị trường Nhật Bản.
Nguồn: tổng hợp từ internet